“Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học cho học sinh lớp 4B trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ huyện Eakar tỉnh Đăk Lăk”

Lượt xem: Lượt tải:


Thông tin Nội dung
Tên tài nguyên “Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học cho học sinh lớp 4B trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ huyện Eakar tỉnh Đăk Lăk”
Loại tài nguyên Sáng kiến kinh nghiệm,
Tên tập tin
Loại tập tin
Dung lượng -1
Ngày chia sẻ 28/03/2021
Lượt xem 315
Lượt tải 0
Xem tài liệu Xem Online
Tải về

Tên biện pháp:Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học cho học sinh lớp 4B trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ huyện Eakar tỉnh Đăk Lăk”

Họ và tên giáo viên: Trần Thị Mong

Dạy lớp : 4B trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ  xã Cư Ni huyện Eakar.

  1. Đặt vấn đề

Ngày nay khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển thì yêu cầu làm việc theo nhóm là cần thiết hơn bao giờ hết. Đơn giản vì cá thể mỗi con người không ai hoàn hảo, làm việc theo nhóm có thể tập trung những mặt mạnh của từng người và bổ sung, hoàn thiện cho nhau những điểm yếu. Phương pháp dạy học theo nhóm là một trong những phương pháp dạy học phát huy tính tích cực học tập của học sinh.

Học tập tích cực là yêu cầu đặt ra ở mỗi bậc học. Đối với giáo dục học hiện đại coi phương pháp dạy học sinh học tập tích cực, Đầu tiên là học thông qua thảo luận nhóm. Thảo luận nhóm có thể được áp dụng ở bất kì lớp học nào. Đặc biệt đối với bậc Tiểu học với cấu trúc mỗi lớp từ 30 – 35 em rất phù hợp.

Qua nhiều năm giảng dạy học sinh  khi tổ chức cho các em  làm việc theo nhóm chỉ là thay đổi theo một hình thức khác trong các  hình thức tổ chức hoạt động trên lớp. Các nhóm chưa thể hiện được tính đoàn kết và tập trung chưa cao. Học sinh chưa thể hiện được tính chủ động sáng tạo và tự chiếm lĩnh kiến thức, còn mang tính hình thức, mờ nhạt. Xuất phát từ thực trạng trên bản thân tôi thấy rằng cần có một biện pháp dạy học để giúp các em hình thành những kĩ năng tự làm việc, hợp tác tốt cùng các bạn  nên tôi quyết định chọn biện pháp: “Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học cho học sinh lớp 4B trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ huyện Eakar tỉnh Đăk Lăk”.

II.Thực trạng

– Thực tế tại đơn vị

Thuận lợi: Lớp 4B do tôi chủ nhiệm có 24 em trong đó nữ 12 em, dân tộc 2 em . Gia đình các em hầu như gần trường. Đa số phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình. Mua sắm đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, các em đều được học 2 buổi/ ngày nên có thời gian để giáo viên bồi dưỡng học sinh có năng khiếu và giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập cũng như các hoạt động giáo dục. Cơ sở vật chất trong trường tương đối đầy đủ. Trường lớp sạch sẽ, thoáng mát, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng kích thước với độ tuổi của học sinh. Đa số học sinh chăm ngoan, lễ phép, có ý thức.

Khó khăn: Một số học sinh có bố mẹ đi làm công ty, ở với ông bà nuôi cho ăn học nên việc nuôi dạy có lúc chưa khoa học. Một số học sinh nhút nhát, chưa mạnh dạn thường ngồi im lặng trong giờ học. Một số học sinh năng động thì hay nói leo trước lớp, nói chuyện với bạn. Chính vì thế mà khi hoạt động nhóm thì các em học tốt này thường nói và làm việc hết còn học sinh nhút nhát, học chậm thì không phải làm gì nên kết quả học tập của cả nhóm chỉ là kết quả của mấy học sinh xuất sắc.

– Vai trò của biện pháp góp phần nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy

Biện pháp: “Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học” là thực hiện tốt 3 năng lực chung: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo. Dạy học theo nhóm nâng cao tính tương tác giữa các thành viên trong nhóm. Đây là yếu tố cơ bản của hoạt động nhóm. Nó có những tác động tích cực đối với người học như: Khích lệ mỗi cá nhân tự biết suy nghĩ tìm câu trả lời trước tập thể. Qua đó  mọi thành viên  khi tham gia thảo luận nhóm đều học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, phát triển mối quan hệ gắn bó, quan tâm lẫn nhau.Thông qua hoạt động nhóm phát triển kĩ năng giao tiếp và kĩ năng xã hội như các kĩ năng biết chờ đợi đến lượt mình rồi trả lời, nêu ý kiến cá nhân trước nhóm, biết tóm tắt và xử lí thông tin. Biết bày tỏ sự ủng hộ qua ánh mắt, nụ cười, yêu cầu giải thích. Không làm xúc phạm đến người khác khi bất đồng ý kiến; cùng nhau giải quyết vấn đề có hiệu quả.

III. Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp

Trong biện pháp “Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học”. Tôi đã thực hiện các nội dung sau:

– Thành lập nhóm

– Các bước tổ chức hoạt động nhóm

– Báo cáo kết quả của nhóm

– Một số kĩ thuật dạy học tích cực hỗ trợ cho hoạt động nhóm đạt kết quả cao.

 Quy trình thực hiện biện pháp góp phần nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy

III.1 Thành lập nhóm: Tùy nội dung của từng bài học mà tôi có hình thức chia nhóm học tập khác nhau:

+ Nhóm đôi: Chia nhóm để thảo luận các câu hỏi có nội dung kiến thức trong bài học thường ở mức độ 2: Thông hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân.

+ Nhóm bốn: Các em học sinh ở hai bàn sẽ quay lại để cùng thảo luận với nội dung kiến thức bài học ở mức độ 3: Vận dụng cơ bản: Biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống.

+ Nhóm ngẫu nhiên: Tôi thường chia lớp thành 3 nhóm: yêu cầu điểm danh 1,2,3 cứ hết một vòng (3 em) như thế lặp lại. Cuối cùng các em có số 1 vào 1 nhóm, các em có số 2 vào 1 nhóm, các em có số 3 vào 1 nhóm. Cách chia nhóm này tôi thường sử dụng trong các môn học Đạo đức, Khoa học, Lịch sử và Địa lí.

+ Nhóm cùng sở trường: Các em có cùng sở thích giống nhau thì sẽ về cùng một nhóm. Tối thiểu trong lớp chia thành 3 nhóm để các em cùng thảo luận với kiến thức bài học ở mức độ 2,3. Trong các tiết học tôi đã sử dụng phương pháp dạy học theo nhóm phù hợp với nội dung bài học. Song hoạt động nhóm đôi và nhóm bốn tôi sử dụng thường xuyên hơn.

III.2 Các bước tổ chức hoạt động nhóm:

+ Làm việc chung cả lớp: Nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức; giao nhiệm vụ và thời gian làm việc. Có bài tôi giao tất cả các nhóm chung một nhiệm vụ như bài Đề – xi – mét vuông Toán 4 tập 1. Học sinh quan sát hình vẽ và đếm xem hình vuông 1Đề – xi -mét vuông gồm bao nhiêu hình vuông 1 xăng – xi – mét vuông, vậy 1dm= …   cm2 . Cũng có bài tôi giao cho mỗi nhóm một nhiệm vụ như đoạn văn “Cây nhút nhát” Tiếng việt 4 tập 1 tôi giao cho nhóm 1 tìm từ láy có hai tiếng giống nhau ở âm đầu. Nhóm 2 tìm từ láy có hai tiếng giống nhau ở phần vần. Nhóm 3 tìm từ láy có hai tiếng giống nhau ở âm đầu và vần. Sau đó tôi hướng dẫn cách làm việc trong nhóm.

+ Làm việc theo nhóm: Phân công trong nhóm: Nhiệm vụ của nhóm bầu được tổ trưởng, thư kí của nhóm (Các thành viên trong nhóm thay phiên làm nhóm trưởng, thư ký, báo cáo,… ở mỗi lần làm việc nhóm), phân chia nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm hoặc cá nhân làm việc độc lập rồi trao đổi hoặc tổ chức thảo luận trong nhóm cần đến sự hợp tác, đoàn kết của mọi thành viên trong nhóm để giải quyết tốt mọi vấn đề trong học tập.

Bạn tổ trưởng sẽ mời từng thành viên trao đổi khi hết thời gian làm việc cá nhân, nhận xét ý kiến đúng của bạn, những ý kiến chưa đúng góp ý cho bạn  theo tinh thần xây dựng và gợi ý để bạn nêu nên ý kiến đúng hay mời bạn khác trả lời đúng cho bạn trong nhóm học hỏi. Thư kí chắt lọc ý kiến đúng để ghi trong phiếu bài tập. Giáo viên sẽ di chuyển đến tất cả các nhóm để gợi ý hoặc đặt các câu hỏi theo nội dung thảo luận; Ví dụ như sau khi học sinh vẽ sơ đồ của bài toán theo dạng: Tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó. Giáo viên hỏi: Đâu là tổng? Đâu là hiệu của hai số? Đâu là số bé? Đâu là số lớn? Làm thế nào để tìm số bé? Tìm số lớn? Hay so sánh cách nào làm hiệu quả hơn? Giáo viên, tổ trưởng luôn tạo động lực cho tất cả học sinh trong nhóm đều làm việc, nói lên ý kiến của mình để chia sẻ cùng các bạn.

III.3 Báo cáo kết quả của nhóm:

Sau khi hết thời gian thảo luận, giáo viên mời các tổ lên báo cáo kết quả: đại diện của từng tổ lên báo cáo trước lớp, các nhóm khác đối chiếu với kết quả của nhóm mình hoặc lắng nghe để nhận xét kết quả của nhóm bạn. Giáo viên tổng kết, đặt vấn đề cho bài tiếp theo hoặc vấn đề tiếp theo trong bài học.

Để việc hoạt động nhóm thực sự có hiệu quả giáo viên phải phân công nhiệm vụ, quy định thời gian rõ ràng và cụ thể  cho các nhóm. Tổ trưởng đóng vai trò quan trọng nhất. Tổ trưởng phải là người khởi động thảo luận nhóm bằng cách tạo một bầu không khí vào đề một cách sinh động, chân tình và thật sự thỏa mái.

Phương pháp hoạt động nhóm giúp các thành viên trong nhóm chia sẻ các băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhau xây dựng nhận thức mới. Bằng cách nói ra những điều đang nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, thấy mình cần học hỏi thêm những gì. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động từ giáo viên.

Trong quá trình sử dụng biện pháp“Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học”tôi đã sử dụng một số kĩ thuât dạy học tích cực hỗ trợ cho hoạt động nhóm như sau:

III.4   Một số kĩ thuật dạy học tích cực hỗ trợ hoạt động nhóm đạt kết quả cao.

+ Kĩ thuật giao nhiệm vụ

Giao nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng: Nhiệm vụ giao cho cá nhân, nhóm nào?  Nhiệm vụ là gì? Địa điểm thực hiện nhiệm vụ ở đâu? Thời gian thực hiện nhiệm vụ là bao nhiêu? Phương tiện thực hiện nhiệm vụ là gì? Sản phẩm cuối cùng cần có là gì?  Cách thức trình bày, đánh giá sản phẩm như thế nào?

Nhiệm vụ phải  phù hợp với mục tiêu của hoạt động. Trình độ của học sinh trong lớp, thời gian, không gian của hoạt động  cơ sở vật chất, trang thiết bị.

+ Kĩ thuật “khăn trải bàn”

– Chia giấy A0 thành phần chính giữa và phần xung quanh. Chia phần xung quanh thành các phần theo số thành viên của nhóm. Cá nhân trả lời câu hỏi và viết trên phần xung quanh. Thảo luận nhóm, thống nhất ý kiến và viết vào phần chính giữa. Treo sản phẩm, trình bày.

+ Kĩ thuật công đoạn Học sinh được chia thành các nhóm, mỗi nhóm được giao giải quyết một nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ: nhóm 1- thảo luận câu A, nhóm 2- thảo luận câu B, nhóm 3- thảo luận câu C, nhóm 4- thảo luận câu D,…

Sau khi các nhóm thảo luận và ghi kết quả thảo luận vào giấy A0 xong, các nhóm sẽ luân chuyển giấy A0 ghi kết quả thảo luận cho nhau. Cụ thể là: Nhóm 1 chuyển cho nhóm 2, Nhóm 2 chuyển cho nhóm 3, Nhóm 3 chuyển cho nhóm 4, Nhóm 4 chuyển cho nhóm 1.

+ Kĩ thuật theo sơ đồ vận hành

Tôi chia làm 3 nhóm theo 3 dãy bàn. Sau khi hoạt động theo bàn 2 phút học sinh sẽ đứng thành vòng tròn quanh dãy bàn của mình. Em thứ nhất sẽ nêu kết quả thảo luận với em thứ hai. Giáo viên hô chuyển thì hai nửa vòng tròn đi ngược chiều nhau bước qua 2 bước và tương tự như vậy đến hết vòng; mỗi em sẽ nói được kết quả với rất nhiều em khác nhau và học thuộc nội dung đã thảo luận ngay trong tiết học.

  1. Kết quả đạt được

– Kết quả đạt được sau khi áp dụng biện pháp

Qua học kì I áp dụng biện pháp:“Thực hiện có hiệu quả Hoạt động nhóm trong tiết học cho học sinh lớp 4B trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ huyện Eakar tỉnh Đăk Lăk”. Tôi thấy có hiệu quả rõ rệt:

Tiến trình tiết dạy hợp lí, nhẹ nhàng. Các hoạt động học tập diễn ra tự nhiên, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của học sinh trong lớp. Học sinh học tập sôi nổi, những em học sinh nhút nhát mạnh dạn hơn, tự tin hơn khi trình bày kết quả trước nhóm, lớp. Học sinh hay nói leo, làm việc thay các bạn đã biết chia sẻ công việc cho cả nhóm. Hỗ trợ các bạn trong nhóm thực hiện có hiệu quả giờ hoạt động thảo luận nhóm. Học sinh hứng thú khi tham gia học tập. Lớp học trở nên thân thiện, gần gũi đối với học sinh tạo cho các em thoải mái trong mỗi tiết học.

Thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, ý kiến mỗi cá nhân được bộc lộ, khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học được nâng lên một trình độ mới.

Cụ thể, lớp 4B có 24 em kết quả khảo sát cuối học kì I năm học 2020 – 2021 như sau:

  Đầu năm học Cuối Học kì I KQ môn học và hoạt động GD học kì I
Số lượng Tỉ lệ % Số lượng Tỉ lệ % HTT HT CHT
Học sinh tích cực 8 33,3 21 87,5  

4

 

20

 

0

Học sinh chưa hợp tác 16 66,7 3 12,5

Nhìn vào bảng thống kê đã chứng minh được số học sinh học tích cực khi tham gia thảo luận nhóm đã tăng từ 8 em lên 21 em. Số học sinh chưa hợp tác từ 16 em còn 3 em. Kết quả môn học và hoạt động giáo dục đến cuối học kì I hoàn thành tốt là 4 em; hoàn thành là 20 em; không có em nào chưa hoàn thành. Các em chăm ngoan, có ý thức tự giác hơn trong các môn học. Rất nhiều em trước kia nhút nhát giờ đã mạnh dạn trình bày ý kiến của mình trước tập thể. Từ kết quả nêu trên tôi tiếp tục duy trì và phát huy biện pháp này trong học kì II. Và cho các năm học tiếp theo nữa.

  1. Kết luận, kiến nghị

Kết luận: Phương pháp dạy học theo nhóm được đánh giá là một phương pháp dạy học tích cực. Phát huy cao độ tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, đồng thời phát huy cao độ khả năng hợp tác, giúp đỡ học tập lẫn nhau. Tổ chức hoạt động nhóm là dấu hiệu tiêu biểu nhất của đổi mới phương pháp dạy học. Để học sinh có kĩ năng thảo luận nhóm tốt thì giáo viên cần kiên trì, thực hiện liên tục trong mọi tiết học, hướng dẫn kĩ từng phương pháp làm việc theo nhóm cho học sinh ngay từ đầu năm học. Giáo viên luôn tạo động lực tích cực cho học sinh khi tham gia làm việc theo nhóm. Sử dụng linh hoạt và phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình dạy, phù hợp với nội dung bài học của từng môn học.

Giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu, rộng, có trình độ sư phạm lành nghề mới có thể tổ chức, hướng dẫn các hoạt động của học sinh mà nhiều khi diễn biến ngoài tầm dự kiến của giáo viên.

Những đề xuất

Đối với trường:

Cần trang bị cho mỗi lớp một máy chiếu để giáo viên áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Cư Ni, tháng 01 năm 2021

Người viết báo cáo

 

                                             

                                                                              Trần Thị Mong

 

Xác nhận của lãnh đạo cơ sở giáo dục